Du lịch vốn là để tham quan học hỏi những điều hay cái đẹp, và để mở mang trí óc cho mình nhưng có rất nhiều người Việt Nam chúng ta đã tự biến mình từ những vị khách được chào đón trọng vọng thành những kẻ tội đồ, bị lên án. Hết ăn cắp vặt, tranh giành khi ăn buffet lại tới ý thức giữ gìn vệ sinh chung quá kém. Và vô hình chung, hình ảnh nước Việt Nam bị ảnh hưởng, các công ty du lịch đưa tour sang nước ngoài cũng theo đó mà bị vạ lây khi không nhận được sự chào đón, thậm chí là bị gây khó dễ.
Ông Lương Duy Doanh, Giám đốc Công ty Du lịch Năm Sao tại Hà Nội cho rằng, những vụ việc như thế không chỉ gây ra rất nhiều khó khăn cho các công ty lữ hành làm outbound mà nghiêm trọng hơn đây, là nỗi nhục quốc thể của chúng ta! Bởi đây là hành động mà bất kỳ ai cũng cảm thấy xấu hổ.
Vô hình chung, những người đó đã làm xấu đi hình ảnh người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Chúng tôi những người làm du lịch cảm nhận rất rõ được sự thận trọng, cảnh giác đôi khi là thiếu thiện cảm từ đối tác và các cơ quan chức năng nước bạn ngay tại nơi làm thủ tục xuất nhập cảnh cho khách”, ông Doanh chia sẻ.
Một đại diện của Tổng cục Du lịch cho rằng, chúng tôi đã có những nhắc nhở bằng văn bản, nhưng nhắc mãi cũng chưa có chuyển biến nhiều, điều quan trọng là mình cần phải giáo dục, tuyên truyền cho công dân mình. Vị đại diện này cũng cho biết, ông không muốn nói thêm về vấn đề này nữa bởi nói tiếp chỉ cảm thấy xấu hổ thêm.
Bà Hưng Thủy, đại diện Công ty Du lịch Sài Gòn – Hà Nội bày tỏ quan điểm khi cho rằng, mặc dù đây không phải là bản chất của người Việt ta, nhưng những hành vi đó đã làm méo mó hình ảnh đẹp của người Việt tại nước ngoài. Không chỉ những người Việt chân chính ở nước ngoài cảm thấy xấu hổ mỗi khi, báo chí nước ngoài phản ánh về hiện tượng khách du lịch Việt trộm cắp và những người làm du lịch hàng ngày trực tiếp đưa khách sang nước bạn xấu hổ gấp bội phần. “Chúng tôi xấu hổ với đối tác của mình, với nhân viên hải quan nước bạn và xấu hổ với cả những người bán hàng của họ”, bà Hưng Thủy nói.
Mặc dù thời gian gần đây, những vụ việc như này mới được báo chí và các phương tiện mạng xã hội phanh phui nhưng các hướng dẫn viên du lịch cho biết, thực trạng này đã có “truyền thống” từ rất lâu đời. Trong khi những năm trước ở ta, nhiều cửa hàng chưa quản lý bằng mã vạch thì ở họ đã có hệ thống quản lý hàng bằng công nghệ, mã vạch con chip, camera, có lẽ vì lý do đó mà một số người khi vào cửa hàng thấy vắng nhân viên nên đã nảy lòng tham mà không biết tất cả các hành vi đó đã được họ nắm được và ghi lại.
“Nói ra thì cảm thấy xấu hổ nhưng có một thực tế là khi người Việt vào siêu thị ở nước ngoài thì bao giờ họ cũng bị camera giám sát ghi nhiều hơn” – một hướng dẫn viên chia sẻ.
Một số phương pháp mà đại diện các công ty lữ hành đưa ra nhằm hạn chế tình trạng trên là việc cấm có thời hạn các cá nhân khi đi du lịch nước ngoài vi phạm luật pháp nước sở tại và nặng hơn có thể trục xuất khỏi Việt Nam để mang răn đe những người khác. Và chúng ta cũng cần có những quy định xử phạt những đối tượng vi phạm luật pháp ở nước ngoài khi trở về nước.
Trada (tổng hợp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét